Bài viết về Cô Lê Thị Oanh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Lâm Hà

Thứ năm - 07/11/2019 19:36
Bài viết về “ tấm gương nhà giáo tâm huyết, mẫu mực” Cô Lê Thị Oanh, Bí thư Chi Bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn-Lâm Hà
20/11
20/11
          Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy “ Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó…”, Phong trào “ Nghìn việc tốt” đã được Bác phát động cách đây 56 năm cho đến nay nó trở thành nét đẹp hằng ngày.
          Tiếp tục thực hiện chỉ thị 05- CT/TW của Bộ chính trị khóa XI về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” kịp thời động viên, biểu dương phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, đồng thời cũng để chào mừng 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019), tôi xin được chia sẻ về một tấm gương tiêu biểu trong trường tôi với sự nỗ lực phấn đấu, không mệt mỏi, vượt khó vươn lên trong công tác, giàu lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong ngành giáo dục. Đó chính là người đồng nghiệp của tôi và cũng là cán bộ lãnh đạo của trường, cô giáo Lê Thị Oanh -  hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn Lâm Hà, nơi mà tôi đang vinh dự được gắn bó và công tác.


           Nhắc đến cô giáo Lê Thị Oanh - Một giáo viên Ngữ văn tài năng, nhiệt huyết thì các thế hệ nhà giáo đã và đang công tác, các em học sinh của vùng sâu xã Lán Tranh - Tân Hà đều yêu mến, tự hào và khâm phục cô. Hôm nay, với cương vị là một cán bộ quản lý- Tân hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn Lâm Hà - Lâm Đồng cô lại càng miệt mài, tâm huyết hơn với sự nghiệp trồng người để đưa những chuyến đò cập bến bờ hạnh phúc.
Thật khâm phục khi cô sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở Lệ Thủy, Quảng Bình-vùng đất gió lào cát trắng, quanh năm lũ lụt, bố mẹ tảo tần, lam lũ “một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”  mà vẫn  không đủ trang trải cho các con ăn học. Các anh chị của cô lần lượt nghỉ học để phụ ba mẹ làm kinh tế. Là con út trong gia đình, cô luôn nuôi mơ ước được trở thành cô giáo và mong muốn làm được một điều gì đó cho gia đình.
Vượt lên hoàn cảnh năm 1995 cô đậu ngành sư phạm Văn trường Đại học Đà Lạt. Từ đây cô phải bươn trải một mình kiếm sống, tự lo ăn từng bữa, trang trải tiền nhà và tiền học phí mỗi tháng. Thời gian học và làm của cô kín lịch, có những lúc không còn thời gian nghỉ ngơi. Buổi sáng cô lên giảng đường, buổi chiểu nếu được nghỉ lại tranh thủ đi làm thêm, trồng rau xanh nhà kính, chăn nuôi trang trại, thậm chí cô làm đông lạnh rau quả đến 1 hoặc 2 giờ sang mai mới về. Cái giá lạnh tê buốt của xứ sở sương mù vẫn không ngăn cản được ý chí quyết tâm của cô. Nghe cô kể về thời sinh viên mà tôi không thể cầm được nước mắt “Cô và một người em gái họ chỉ đặt một suốt ăn nữ rồi mang về phòng hai người cùng ăn. Hai người một suốt cơm đã ít vậy mà bữa tối trước khi ăn, cô còn lấy ra một chén cơm dành để sáng mai nấu cháo trắng ăn sáng trước khi đi học hoặc đi làm thêm…. Khó khăn, vất vả là thế nhưng kết quả học của cô cũng thật đáng nể phục. Học xong chương trình đại cương cô được tuyển thẳng vào học chuyên ngành và được chọn là một trong số 20 sinh viên của khoa Ngữ văn tiêu biểu làm luận văn ra trường.
Cầm tấm bằng trong tay- thành quả mà cô có được từ nhừng ngày miệt mài trên giảng đường, từ những giọt mồ hôi lẫn nước mắt tự đi làm thêm để trang trải học hành cô nhận công tác về vùng Lán Tranh- Tân Hà-một vùng được coi là điểm nóng của tỉnh Lâm Đồng. Ngày ấy chỉ nghe tên đã là nỗi sợ của bao người. Không điện, không nước máy, không một người quen thân, phân hiệu Tân Hà chào đón cô như vậy đó.  Vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn gắn bó với trường lớp, tập thể là nhà, học sinh, đồng nghiệp là người thân cô đã tiếp lửa cho các em ở một nơi xa xôi hẻo lánh này. Thầm chí có học sinh nhà ở quá xa, gia đình nghèo không có xe đạp đi học lại thường xuyên ốm đau cô bảo em ở lại tập thể với cô để cô nuôi đi học.
          Sau một năm làm giáo viên nhà trường đã phân công cô làm Tổ trưởng tổ xã hội. Là người cốt cán của tổ cô luôn đi đầu trong mọi phong trào hoạt động của trường của ngành và của huyện. Đặc biệt năm 2003 cô đạt giải ba hội thi Nghiệp vụ sư phạm trẻ lần thứ I do Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Năm 2004 cô dự thi Báo cáo viên giỏi tư tưởng Hồ Chí Minh huyện Lâm Hà, vượt lên rất nhiều thí sinh để dành giải hai toàn huyền. Trong suốt 4 năm từ 2002-2005 cô luôn đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường. Phấn đấu hết mình vì sự nghiệp giáo dục cùng với tình yêu nghề và sức trẻ đến năm 2003 cô được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm chủ tịch công đoàn và năm 2005 cô được bổ nhiệm phó hiệu trưởng, kiêm chủ tịch công đoàn của trường THPT Tân Hà. Và điều mà mọi người đều ghi nhận ở cô Oanh là ý chí, cô luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn của gia đình để vượn lên, không ngừng học tập và nâng cao trình độ.  Năm 2011 cô nhận bằng thạc sĩ ngành Văn học.
Trong suốt 12 năm từ 2005 -2017 làm công tác phó hiệu trưởng chuyên môn, cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành cũng như của trường và ứng dụng những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Tham mưu cùng Ban giám hiệu nhà trường, các bộ phận chức năng, các ban ngành, đoàn thể cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, để làm nên sự thành công của phong trào giáo dục của nhà trường. Dù ở vai trò, nhiệm vụ nào cô cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết.
          Tháng 11/2017 cô được giám đốc sở giáo dục tỉnh Lâm Đổng bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn Lâm Hà, cho đến nay cô vẫn luôn là tấm gương đi đầu trong các phong trào của nhà trường. Được bổ nhiệm hiệu trưởng ở môi trường làm việc hoàn toàn mới, nhưng cô không vì thế mà ngại khó, vẫn luôn luôn phấn đấu hết mình vì tập thể. Cô tìm tòi và nắm bắt thông tin của trường về cơ sở vật chất, nhân sự ……cho đến khuân viên cây cảnh của trường. Nhà xa trường 10km nhưng sáng nào 6 giờ 30 phút cô đã có mặt ở trường để quan sát và nắm bắt tình hình thực hiện nề nếp đi học của học sinh và giáo viên, công nhân viên, kịp thời đưa ra các biện pháp để chấn chỉnh học sinh trong nhà trường…Cô sắp xếp tu bổ, sửa chữa cải tạo các dãy phòng học, phòng làm việc, cơ bản gọn gang,  sạch sẽ hơn rất nhiều. Tận dụng cơ sở vật chất hiện có cô đã sửa chữa và nâng cấp lên để học sinh toàn trường học một ca buổi sáng, tận dụng thời gian buổi chiều dành cho các hoạt động phong trào trong và ngoài nhà trường, đặc biệt với môi trường học sinh dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm hơn 50%, các em học rất yếu, cô đầu tư cho các em được ôn tập trong trường nâng dần chất lượng chuyên môn, thổi cho giáo viên chúng tôi niềm tin về đào tạo học sinh mũi nhọn và nghiên cứu khoa học- điều mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới với học sinh của mình.

Huyện ủy huyện Lâm Hà chúc mừng tập thể giáo viên nhà trường
           Mặc dù làm công tác quản lí nhưng cô vẫn tham gia giảng dạy môn Văn của trường, cô luôn gần gũi với học trò, tìm hiểu hoàn cảnh để cư xử hợp với lứa tuổi các em. Cô luôn ngoại giao bên ngoài từ các mạnh thường quân đến các ngân hàng để xinh học bổng và xinh tài trợ cho học sinh. Có lẽ xuất thân từ một gia đình khó khăn, cuộc đời nếm trải nhiều vất vả nên cô đã hiểu và đồng cảm với những học sinh nghèo, đó chính là động lực để cô chắp cách cho những ước mơ của học sinh.
          Với cương vị là một hiệu trưởng, cô rất năng nổ, nhiệt tình, khiêm nhường, mẫu mực, có trách nhiệm, luôn hết lòng vì học sinh, được mọi người nể phục. Cô luôn ý thức rằng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thì người giáo viên cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc và yêu thương học sinh như con em ruột của mình. Ngay từ những ngày đầu nhận công tác cô đề cao ý thức đạo đức của học sinh, cô yêu cầu học sinh bước vào cổng trường phải thực hiện nghiêm nội quy học sinh. Cô dặn dò, nhắc nhở học sinh từ những cử chỉ nhỏ nhất, gặp người lớn tuổi hơn các em phải biết chào hỏi “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Tôi khá ngạc nhiên khi cô về trường, sáng nào cô cũng đứng ở cổng từ rất sớm để chào học sinh, để được học sinh chào và nhắc nhở các em về đồng phục, nề nếp, giờ giấc….và thói quen đó của cô đến bây giờ vẫn như thế. Chúng tôi bước vào cổng chào cô và cô cũng chào… tạo một môi trường thật thân thiện và gần gũi.  Với vai trò là một hiệu trưởng cô luôn đi sớm về trễ. Thậm chí cô làm việc cả buổi trưa. Học sinh nào đi học sớm và có biểu hiện vi phạm cô chỉnh đốn ngay. Có hôm tôi đi làm sớm thấy xa xa có 2 học sinh rú ga xe máy vào trường, cô từ phòng đi ra cô nhắc nhở nhẹ nhàng và học sinh nhận ra lỗi sai từ đó không tái phạm. Cô luôn thực hiện đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, luôn làm tốt công tác phát triển Đảng trong quần chúng, đi đầu, gương mẫu và tích cực vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua của ngành, của trường được tập thể tín nhiệm. Cô luôn có ý thức tập hợp, xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong nhà trường và xây dựng tập thể lớn mạnh, thống nhất. Cô luôn sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp của giáo viên, công nhân viên để đưa ra biện pháp hợp lí trong công tác chỉ đạo.
           Từ ngày cô chuyển đến, phong trào bề nổi của trường rất phát triển từ phong trào học sinh, đến giáo viên. Trường tôi như được thổi một làn gió mới, chúng tôi như được trẻ lai khi cùng nhau tổ chức các hoạt động tập thể cho học sinh, cho giáo viên. Những lúc đó tôi không thấy ở cô một người hiệu trưởng mà là một người chị hòa đồng, năng nổ, gần gũi, thân tình.  Đó là tình cảm mà cô dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Dù trong cuộc họp hay giao tiếp với mọi người hằng ngày, người ta ít thấy cô dùng những từ mỹ miều hoặc đao to búa lớn… Có khi gặp những việc căng thẳng cô vẫn giữ được thái độ và lời lẽ rất mực bình tĩnh, tự tin. Tuy đảm nhiệm vị trí lãnh đạo nhà trường và đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ nặng nề khác nhưng cô luôn giành thời gian động viên, quan tâm, hỏi han đến từng cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường. Đôi lúc chỉ là sự thay đổi nhỏ của các giáo viên cô cũng nhận ra nhanh chóng để có những tác động kịp thời, giúp đỡ, động viên mọi người. Cô luôn là người để chị em giáo viên gần gũi, chia sẻ. Hình ảnh một người hiệu trưởng luôn vui vẻ, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, tâm lý luôn để lại ấn tượng trong lòng cán bộ giáo viên nhân viên trong trường. Tất cả cá nhân đều được cô tôn trọng như nhau “Luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu” vì vậy mọi vấn đề đều được cô giải quyết thấu tình đạt lý tạo được niềm tin vững chắc trong lòng mọi người, rất phù hợp với “Tình yêu thương con người, sống có nghĩa có tình” một trong những tư tưởng của Bác về đạo đức của con người Việt Nam…. .Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí cao cả.

         Trong nhà trường, cô phát động việc học tập và làm theo lời Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Phát động phong trào học tập, đổi mới phương pháp dạy hoc theo hướng phát triển năng lực của học sinh, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.  Đặc biệt cô đã khắc phục được công tác phát triển đội ngũ đảng viên cho giáo viên, mà nhiều năm qua trường không làm được. Số lượng cán bộ giáo viên, công nhân viên đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở đã từng bước tăng lên. Điều vinh dự hơn nữa cuối năm học 2017-2018 nhà trường được Sở Giáo dục và đào tạo tặng giấy khen và năm 2018-2019 trường được công nhận là tập thể lao động tiên tiến- đây là hai thành tích mà từ ngày thành lập trường (Năm 2014) đến nay nhà trường mới đạt được. Và bản thân cô cũng được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được giám đốc sở giáo dục tỉnh Lâm Đồng tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm, cô được đồng nghiệp yêu thương, học sinh quý mến.
          Cuối cùng chúng tôi muốn nhắn gửi tới cô một điều: Trách nhiệm của " người chèo lái" là vô cùng nặng nề, khó khăn, vất vả nhưng cô hãy tin tưởng ở đồng nghiệp của mình. Chúng tôi sẽ luôn kề vai sát cánh bên cô, cùng cô chèo lái "con thuyền THPT Lê Quý Đôn" vượt qua mọi khó khăn để đưa các thế hệ học trò đến bến bờ tương lai, hạnh phúc và xây dựng trường THPT Lê Quý Đôn thành ngôi trường tin tưởng trong lòng phụ huynh.
                
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Hồng Xuyên

Nguồn tin: Công Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn-Lâm Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây